Đại biểu Quốc hội hiến kế huy động tỷ USD làm sân bay, cao tốc
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ có thể bảo lãnh cho một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn làm cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành.
Thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội chiều 22/10, ông Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ TP HCM nêu băn khoăn về phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông tại khu vực các tỉnh phía Nam kết nối với TP HCM. "Hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu sự kết nối, liên thông với nhau. Giao thông tắc từ trong nội thành tới quốc lộ, nên chi phí logistic cao, làm nhà đầu tư ngao ngán", ông nhận xét. Gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông, ông Ngân nói, chỉ còn cách phát triển hệ thống đường cao tốc, mở rộng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sớm làm sân bay Long Thành.
Nhắc tới dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam, ông Ngân cho rằng, việc huỷ thầu quốc tế để chuyển sang đấu thầu trong nước nhằm huy động nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước là điều đáng hoan nghênh. Song, ông lo lắng liệu nhà đầu tư trong nước có đủ lực để làm?
Ông Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viên cán bộ TP HCM. Ảnh: Hoài Thu
Ông dẫn ví dụ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giao cho các nhà đầu tư trong nước nhưng đình trệ kéo dài do thiếu vốn, xung đột lợi ích. Trong khi đó, hiện các nhà băng đang dừng cho vay với các dự án hạ tầng giao thông, BOT giao thông... Vì thế, để có vốn lên tới hàng tỷ USD làm dự án cao tốc, như cao tốc Bắc - Nam, là không đơn giản với nhà đầu tư trong nước.
Giám đốc Học viện cán bộ TP HCM đề xuất Chính phủ nên bảo lãnh cho một số doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu làm cao tốc Bắc - Nam. "Để doanh nghiệp tự phát hành thì rủi ro lớn, không ai dám mua. Thay vì đầu tư công, Chính phủ bỏ vốn thì có thể tăng bảo lãnh như một hình thức hợp tác công tư. Cách này cũng giúp có thêm động lực, có vốn để triển khai các đường cao tốc nhanh hơn, kể cả làm đường sắt đô thị ở TP HCM, sân bay", ông Ngân nói.
Còn ông Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM cho rằng, ngân sách hạn hẹp khi tỷ lệ giữ lại của TP HCM thấp, khiến thành phố khó phát triển các dự án hạ tầng giao thông dù có tầm nhìn quy hoạch.
Ông Quốc đề nghị, với các địa phương có chỉ số hiệu quả sử dụng vốn cao (ICOR) như TP HCM, Chính phủ nên đầu tư vào đây hơn nữa để tạo điều kiện phát triển mang tính lan tỏa.
Báo cáo trước Quốc hội ngày 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2020 Chính phủ sẽ dành nguồn lực tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thu phí tự động không dừng. "Chính phủ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trong đó tạo điều kiện để các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển theo hình thức hợp tác công - tư", lãnh đạo Chính phủ nói.
Năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan; cơ bản hoàn thành đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thông xe một số gói thầu của 3 dự án đầu tư công thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, lựa chọn được nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần còn lại.
Dự án cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội thông qua chủ trương tháng 10/2018, gồm 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 102.000 tỷ đồng, trong đó 50.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước và 51.702 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Cập nhật tại báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, việc thay đổi phương thức đấu thầu chọn nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần theo hình thức PPP sẽ khiến dự án chậm 3 tháng so với dự kiến ban đầu do "mất thêm thời gian sơ tuyển nhà đầu tư trong nước". Mốc thời gian mới dự kiến hoàn thành sơ tuyển nhà đầu tư là tháng 2/2020 và đấu thầu là tháng 11/2020.
Với dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 4,8 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng). Các hạng mục giai đoạn 1 sẽ gồm một đường cất hạ cánh; một nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm; nhà gahàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm và các hạng mục phụ trợ.
Nhận xét
Đăng nhận xét