Chính phủ đề xuất xoá gần 16.400 tỷ đồng nợ thuế
Bộ Tài chính đề nghị được khoanh, không hồi tố với các khoản nợ phát sinh trước 1/7/2020 và xoá số nợ thuế gần 16.400 tỷ đồng.
Báo cáo trước Quốc hội sáng 22/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế nhưng số thuế nợ vẫn cao, hơn 88.250 tỷ đồng đến cuối tháng 8, tăng 8,2% so với cuối năm 2018. Trong đó, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách gần 43.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD), chiếm xấp xỉ 49% tổng số tiền nợ thuế.
Phần lớn tiền nợ thuế, theo ông Dũng, do người nộp thuế chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản... Chiếm nhiều nhất trong số này là tiền nợ thuế của doanh nghiệp, cá nhân đã bỏ địa chỉ kinh doanh, gần 24.200 tỷ đồng, và một nửa trong số này là tiền phạt chậm nộp, chậm nộp.
Ngoài ra, theo quy định Luật Quản lý thuế, đối tượng nợ thuế bị phạt 0,03% một ngày trên số tiền thuế chậm nộp, nên tới hết tháng 8/2019 số tiền này gần 16.400 tỷ đồng và không có khả năng thu hồi.
Ông Dũng nói, Luật Quản lý thuế hiện hành không cho phép xử lý nợ với các khoản chưa đủ điều kiện 10 năm, do đó số thuế nợ đọng này là "nợ ảo, không còn khả năng thu vào ngân sách".
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Ngọc Thắng
Mặt khác, điểm vênh trong các quy định pháp luật về thuế cũng được Bộ trưởng Tài chính nêu lên như là cơ sở để đề xuất Quốc hội có cơ chế xử lý nợ với người nộp thuế không còn khả năng thu hồi. Cụ thể, Luật Quản lý thuế 38/2019 quy định các đối tượng này được khoanh nợ, nhưng Luật Quản lý thuế mới lại không cho phép khoanh nợ.
"Các trường hợp nợ thuế hầu hết phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực, nên Chính phủ thấy cần thiết phải báo cáo Quốc hội cho cơ chế xử lý bằng một Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xoá tiền phạt chậm nộp, chậm nộp với người không còn khả năng nộp ngân sách", Bộ trưởng Tài chính nêu.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị được khoanh và không hồi tố với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2020 và xoá số nợ thuế gần 16.400 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp, chậm nộp.
Thẩm tra sau đó, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, hiện số nợ đọng không có khả năng thu hồi rất thấp, nhưng do bị tính tiền phạt chậm nộp 0,03% một ngày, nên số nợ đọng bị cộng dồn và tăng cao. Ước tính số tiền nợ thuế đề nghị được xoá nếu tính cả tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp... khoảng 16.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm của cơ quan thuế khi để tình trạng nợ đọng thuế kéo dài qua nhiều năm. "Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm chủ quan của các cơ quan, cá nhân liên quan khi để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài qua nhiều năm và có đánh giá tác động cụ thể khi xoá khoản nợ này", ông Hải nêu.
Nhận xét
Đăng nhận xét