Nhiều doanh nghiệp Nhật muốn tuyển dụng kỹ sư IT Việt



Nhật Bản đang phát triển mạnh về công nghệ thông tin, nhưng thiếu nhân lực, trong khi các kỹ sư phần mềm Việt Nam được đánh giá cao về năng lực.

Ngày 22/10, UBND Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản - Japan ICT Day, chủ đề "Hợp tác Việt – Nhật thúc đẩy chuyển đổi số".

Bà Junko Kavauchi - Phó chủ tịch Ban Hợp tác Quốc tế (JISA), cho biết thị trường CNTT Nhật Bản khoảng 460 tỷ USD, trong đó phần mềm chiếm khoảng 130 tỷ USD. Dự báo nhu cầu dự án về công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 của Nhật Bản tháng 6.2019 tăng khoảng 31,5%, trong khi nguồn nhân lực đang thiếu hụt.


Các doanh nghiệp giới thiệu gian hàng tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Đông.


Theo khảo sát hàng quý của JISA, đến tháng 6/2019, Nhật Bản thiếu khoảng 781.000 kỹ sư CNTT; trên 80% các doanh nghiệp của Nhật Bản cho biết sẵn sàng nhận người nước ngoài vào làm việc trong công ty; 95% các công ty Nhật Bản trả lời quan tâm và và sẽ nhận các kỹ sư của Việt Nam làm việc.

70% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam muốn mở rộng quy mô. Tuy nhiên đến 80% doanh nghiệp yêu cầu các kỹ sư cần có năng lực tiếng Nhật N2 và N1. Đây là thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam và là rào cản lớn nhất trong hợp tác CNTT Việt - Nhật.

"Việc tuyển dụng nhân sự nước ngoài thì quan trọng nhất là chuyên ngành được đào tạo. Phía Nhật cần về khoa học máy tính và phần mềm. Mức độ kỳ vọng tiếng Nhật đa số là N2. Nếu người ko giỏi tiếng Nhật nhưng lại có năng lực cần cho doanh nghiệp đó, thì 50% doanh nghiệp nói vẫn muốn nhận và làm", bà nói.

Ông SheiiChi Ito, Phó chủ tịch Uỷ ban hợp tác quốc tế JISA Nhật Bản, cho biết các kỹ sư Việt Nam được đánh giá cao ở Nhật Bản vì tính chịu khó và thông minh. Vì thế việc truyền đạt công nghệ mới cho người Việt Nam rất dễ dàng.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng trực tiếp đến Việt Nam để hợp tác phát triển. Do đó, sự kiện Japan ICT Day không đơn thuần là tiếp thị sản phẩm mà JISA muốn "tạo ra nhiều cơ hội để người Việt Nam bước ra thế giới".

Tham gia phiên thảo luận với chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam thịnh vượng", Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho rằng người Việt Nam cần cù, chịu khó nhưng ứng dụng công nghiệp vào sản xuất, quản lý doanh nghiệp và xã hội vẫn còn khá hạn chế.

Theo ông, nhiều quy trình nghiệp vụ vẫn còn thực hiện thủ công; giao thông ùn tắc dẫn đến thời gian di chuyển kéo dài; nguồn lực chưa được tối ưu hóa tối đa. Do đó, giải pháp duy nhất để thay đổi cục diện chính là chuyển đổi số.

"Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ con đường này khi thành lập dự thảo đề án Chuyển đổi số quốc gia, mục tiêu đến 2025 vào Top 4 ASEAN về xếp hàng số hóa quốc gia", ông Hoàng Nam Tiến nói.

Nhật Bản hiện là đối tác đầu tư FDI lớn nhất tại TP Đà Nẵng với tổng mức đầu tư trên 800 triệu USD. Ba mảng công nghệ mới tiềm năng nhất trong hợp tác CNTT Việt – Nhật là Chuyển đối số, Big Data và AR/VR. Trong khi đó, Đà Nẵng đang triển khai thu hút đầu tư từ Nhật Bản, đặc biệt là lĩnh vực CNTT.

Ông Lê Trung Chinh - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết thành phố hiện có trên 3.800 doanh nghiệp về lĩnh vực CNTT và là trung tâm về CNTT tại khu vực miền Trung. Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất của các doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng, với trên 36% thị phần xuất khẩu. Do đó, thành phố mong muốn có thêm nhiều hợp tác trong thời gian tới.

Tại sự kiện đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) với Trung tâm đổi mới và chiến lược CNTT tỉnh Okinawa, Nhật Bản (ISCO) để hỗ trợ mở rộng hợp tác doanh nghiệp Việt – Nhật trong lĩnh vực CNTT.

Ngày 23/10, tại Đà Nẵng tiếp tục diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh - Smart City Summit lần thứ 3.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những Mạng xã hội của Sản xuất sổ da Hà Nội Đăng Nguyên

Bán Quyển Menu Da, In Menu Bìa Da, In Logo Lên Bìa Menu theo yêu cầu