Mua sắm trực tuyến không bùng nổ mùa dịch như kỳ vọng
Ba trên bốn sàn trực tuyến lớn nhất giảm lượng truy cập quý I, thời điểm đáng ra được kỳ vọng giúp ngành này "cất cánh".
Hàng loạt hoạt động kinh doanh trực tiếp bị thu hẹp, thậm chí dừng hẳn trong thời gian cách ly xã hội và người dân hạn chế ra đường mua sắm vì lo ngại dịch bệnh. Nhưng hai yếu tố cơ bản này vẫn không đủ giúp thương mại điện tử "cất cánh".
"Bản đồ Thương mại Điện tử Việt Nam quý I/2020" do iPrice và SimilarWeb vừa công bố cho biết, ba trên bốn sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam đều có lượng truy cập website giảm.
Tiki đạt 23,99 triệu lượt truy cập mỗi tháng, giảm nhẹ 500.000 lượt mỗi tháng so với quý IV/2019. Hai sàn cũng có lượt truy cập website giảm là Lazada Việt Nam và Sendo. Trong quý I, họ giảm lần lượt 7,3 triệu lượt và 9,6 triệu lượt mỗi tháng với quý trước. Hai sàn này cũng lần lượt xếp sau Tiki - sàn bắt đầu vươn lên vị trí thứ hai về truy cập website trong quý I/2019.
Trong top 4, chỉ Shopee Việt Nam có lượt truy cập website tăng và tiếp tục dẫn đầu thị trường, với 43,16 triệu lượt mỗi tháng. Đây cũng là quý thứ ba liên tiếp Shopee đạt tăng trưởng về lượng truy cập website nhờ đẩy mạnh các chương trình ưu đãi bao gồm tặng voucher, miễn phí vận chuyển mùa dịch... Tương tự, Tiki, từ tháng 4, tung 39 tỷ đồng để miễn phí giao hàng 2 giờ tại TP HCM và Hà Nội cho các đơn hàng đạt giá trị nhất định.
Lượt truy cập vào website của các sàn, trừ Shopee, trong quý vừa qua giảm trung bình 9% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo iPrice Group, một phần nguyên nhân là trong mùa dịch, các sàn tiết chế hoạt động quảng cáo và khuyến mãi. Thay vào đó, họ đẩy mạnh livestream và game trên ứng dụng, mạng xã hội. Mục đích là tận dụng lúc người dân ở nhà và có nhiều thời gian ngồi trước màn hình để tăng tương tác, độ gắn kết với khách hàng, và thử nghiệm tính năng mới.
"Một nguyên nhân nữa là nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trong mùa dịch thay đổi liên tục và khó đoán trước", nhóm nghiên cứu của Iprice nhận định. Trước đó, khi đại dịch đang ở cao điểm, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) dự báo hoạt động kinh doanh trực tuyến cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sức mua yếu mùa dịch, chỉ một số mặt hàng thiết yếu mới thực sự có cơ hội tăng trưởng.
Qua 3 tháng, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nóng với những mặt hàng không phải chủ lực. Dữ liệu của iPrice Group cho thấy hưởng lợi đầu tiên là ngành hàng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Trong tháng 2, nhu cầu tìm mua trực tuyến cho các sản phẩm khẩu trang và nước rửa tay khô lần lượt tăng đến 610% và 680% so với tháng 1.
Sang đến tháng 3, khi người tiêu dùng ở nhà tránh dịch nhiều hơn thì đến lượt ngành bách hóa trực tuyến lên ngôi. Lượng truy cập vào website của Bách Hóa Xanh quý này nhờ vậy đã tăng 49% so với quý 4/2019.
Tỷ lệ tăng trưởng: 10
Nhưng các ngành này trước đó lại không phải tâm điểm và đóng góp nhiều về trọng số cho thị trường. Trong top 50 website thương mại điện tử Việt Nam chỉ có 2 website chuyên doanh hàng tạp hóa là Bách Hóa Xanh và BigC, ít hơn nhiều so với 10 website ngành hàng di động và 7 website ngành hàng thời trang.
Ngược lại, các ngành trước đây là "gà đẻ trứng vàng" của thương mại điện tử như thời trang và điện máy thì trong mùa dịch lại bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong 3 tháng đầu năm, các website ngành thời trang sụt giảm trung bình 38% lượng truy cập so với quý trước.
Tương tự, lượng truy cập vào các website ngành điện máy trong tháng 2 giảm 17% so với tháng 1. May mắn là sang tháng 3, thị trường xuất hiện nhu cầu mua laptop, webcam, microphone, màn hình... để phục vụ học tập và làm việc tại nhà nên ngành này đã hồi phục lại.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, chỉ sau 3 tháng đầu năm, thị trường thương mại điện tử đã trải qua nhiều biến chuyển, vừa mang đến cơ hội vừa đặt ra thách thức.
Ví dụ, một số website bán hàng mỹ phẩm nay có bán thêm khẩu trang và nước rửa tay khô. Kết quả cho thấy lượng truy cập vào các website này trong quý I tăng trung bình 32% so với quý IV2019. Còn các website thuần bán mỹ phẩm thì chỉ tăng trung bình 10%.
Bốn sàn lớn nhất thị trường phải tháng 3 mới bắt đầu tập trung đẩy mạnh các mặt hàng bách hóa, chăm sóc sức khỏe phục vụ mùa dịch. Trước đó, họ chỉ tập trung khuyến mại cho các ngành hàng thời trang, điện máy, mỹ phẩm. IPrice cho biết, chỉ sau khi các sàn này chuyển hướng thì lượng truy cập mới đồng loạt tăng trở lại, hứa hẹn khởi sắc giai đoạn tới.
Dẫu vậy, đại diện Sendo vẫn cho rằng Covid-19 sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho ngành thương mại điện tử. "Lượng người mua hàng trên các sàn sẽ tăng. Sàn nào mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn thì sẽ thu hút được nhiều người mua mới hơn", vị này nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét