Sau phạt 150 triệu, trang trại lợn xả hôi thối ở Nghệ An tiếp tục bị xử lí
XEM CLIP:
Bị đình chỉ vẫn tiếp tục nuôi lợn
Ngày 15/1, trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Nam (SN 1972) tại xóm 5, xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) bị UBND tỉnh xử phạt 150 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng vì vi phạm quy định bảo vệ môi trường.
Tự giới thiệu quản lý trang trại là ông Nguyễn Văn Huy (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, anh trai ông Nam) thừa nhận, vì đang thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường khiến trang trại bị phạt 150 triệu.
Tuy nhiên, thay vì chấp hành lệnh đình chỉ hoạt động, trang trại này vẫn liên kết với DN bên ngoài vào nuôi lợn, gây ô môi trường khiến người dân địa phương hết sức bức xúc.
Về hệ thống xử lý nước thải của trại lợn, ông Huy cho biết, chất thải sẽ lần lượt chảy từ bể cứng đến bể Biogas rồi cuối cùng chảy ra 3 hồ lắng. Bên dưới đáy hồ được lót cát, đá và than đá.
Theo quan sát thực tế, 3 hồ lắng nói trên rộng cả nghìn m2, được ngăn với nhau bằng 2 con đường đất. Bể nào cũng có màu đen đục, nổi váng xanh, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
4 phía quanh hồ đắp bằng đất sơ sài, không có biện pháp chống sạt lở hay ngăn nước thải ngấm ra ngoài. Về việc này ông Huy giải thích, nước thải sẽ không ngấm ra xung quanh mà chỉ ngấm xuống theo lòng khe nên chỉ cần xử lý phía dưới.
“Trang trại đang nuôi gần 500 con lợn, vì lúc bị phạt chúng tôi không thể trả lại mà phải nuôi tiếp. Hiện Hội đồng thẩm định của Sở TN&MT đã thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường và chờ UBND tỉnh phê duyệt”, ông Huy nói.
Sẽ lập đoàn kiểm tra trại lợn gây ô nhiễm
Trưởng Phòng TN&MT huyện Anh Sơn Đặng Duy Đô cho biết, tháng 9/2019, sau khi nhận được phản ánh về tình trạng ô nhiễm tại trại lợn của gia đình ông Nam, Phòng đã thành lập tổ công tác xuống để kiểm tra.
Qua kiểm tra, Phòng TN&MT huyện đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động trại lợn và yêu cầu chủ trại hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý.
Do lúc này trại đang nuôi giở lứa lợn nên sau khi xin ý kiến người dân, ông Nam được phép nuôi tiếp, hạn đến 30/9/2019 phải xuất chuồng và không được tái đàn.
Về số lượng lợn nuôi trong trang trại, ông Đô nói không biết vì chính quyền xã không báo cáo lên và cơ quan nhà nước cũng chưa kiểm tra.
“Thực tế chỗ này kiểm tra khó, hôm đoàn lên kiểm tra trang thiết bị không có, chỉ biết chỗ nuôi lợn là trái quy định. Còn việc ô nhiễm môi trường, cán bộ ngửi bằng mũi thì làm sao biết đạt chuẩn hay không. Tôi sợ nhất đánh giá tác động môi trường được thông qua mà vẫn ô nhiễm thì không biết xử lý thế nào”, vị trưởng phòng tâm tư.
Liên quan đến an toàn hồ chứa nước thải, ông Đô đánh giá các hồ chứa được ngăn như ruộng bậc thang, nếu mưa lớn cộng với nước xả thì có nguy cơ “tức nước, vỡ bờ”.
“Hội đồng đánh giá tác động môi trường do Sở TN&MT chủ trì thẩm định, không biết có kiểm tra, ý kiến, đưa ra hậu quả không? Có vỡ hay không, khi vỡ thì sẽ như thế nào?”, ông Đô thắc mắc.
Ông Hoàng Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết, trang trại chăn nuôi lợn tại xã Đỉnh Sơn đứng tên ông Nam nhưng thực chất là của 2 anh em (ông Huy cùng góp vốn).
“Hồi tháng 9/2019, một trận mưa làm vỡ ống xả thải, tôi giao Phòng TNMT lên kiểm tra, yêu cầu chủ trại cam kết, thực hiện nghiêm các đề án của đánh giá tác động môi trường. Không biết thực tế còn mùi hôi nữa hay không nhưng anh em báo lại không ảnh hưởng gì, không có mùi hôi. Tất nhiên để nói tuyệt đối thì chắc chắn rất khó”, ông Cường nói.
Vị phó chủ tịch thông tin, ông Nam đã trình hồ sơ, đề án đánh giá tác động môi trường cho các cấp có thẩm quyền, hiện đang chờ phê duyệt. Tuy nhiên, trước khi đầy đủ thủ tục thì đơn vị vẫn phải chấp hành nghiêm quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Nghệ An.
Về nguy cơ 3 hồ chứa nước thải bị vỡ trong tương lai, ông Cường cho rằng, để đánh giá và kết luận phải có cơ sở khoa học của các nhà chuyên môn. Nếu không đảm bảo thì chắc chắn các sở ban ngành và các thành viên thẩm định sẽ không cấp phép đánh giá tác động môi trường.
“Làm trong lĩnh vực này mà không quan tâm đến công tác môi trường thì họ tự giết mình chết. Huyện cũng không ủng hộ những việc làm sai trái, những việc ảnh hưởng đến cuộc sống bà con. Sắp tới huyện sẽ thành lập đoàn công tác để kiểm tra và xử lý phản ánh của người dân, yêu cầu trang trại dừng hoạt động để chờ các thủ tục quy định của pháp luật”, ông Cường khẳng định.
Vỡ đập Đầm Thìn ở Phú Thọ, nhiều hộ dân sơ tán khẩn cấp
Khoảng 7h sáng nay, đập thủy lợi Đầm Thìn (xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) bị vỡ khiến nhiều hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.
Phạm Tâm - Quốc Huy
Nhận xét
Đăng nhận xét